Đau lưng tuy không phải là một tình trạng nghiêm trọng hay đe dọa tính mạng, nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó trong cơ thể bạn. Việc phát hiện sớm các nguyên nhân gây đau lưng sẽ giúp việc điều trị được hiệu quả hơn. Dưới đây là những thủ phạm có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau lưng của bạn.
Đau Lưng Liên Quan Đến Vận Động
Sau 1 khoảng thời gian dài bạn ít vận động thì đến khi tập luyện, lưng của bạn sẽ có cảm giác đau. Tuy nhiên đây không phải vấn đề nghiêm trọng, bạn hãy duy trì việc tập luyện đều đặn thì cảm giác đau nhức sẽ giảm dần.
Đau lưng cũng xảy ra nếu bạn vận động quá sức, sai tư thế. Trong những trường hợp này, cơ hoặc dây chằng ở lưng của bạn có thể đã bị kéo dãn quá mức, hay gọi là tình trạng căng cơ. Các chuyển động liên quan đến uốn cong, nâng hoặc vặn là một trong những yếu tố dễ gây căng cơ nhất. Đau lưng do căng cơ có thể tự khỏi trong vài ngày. Chườm ấm nhẹ nhàng có thể giúp bạn phục hồi các cơ lưng .
Nhiều trường hợp ngồi lâu quá mức cũng dễ bị đau lưng. Bạn nên đứng lên vận động, đi lại sau khoảng thời gian ngồi một chỗ sẽ hạn chế các cơn đau lưng.
Đau Lưng Do Bệnh Lý Xương Khớp
Do cấu tạo bất thường của cột sống
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống có đường cong bất thường, bệnh phát triển trong thời thơ ấu hoặc thiếu niên. Nhưng nó có thể không gây đau cho đến tuổi trung niên hoặc muộn hơn, khi cơ thể và cột sống phát triển sẽ tạo áp lực ngày càng tăng lên các dây thần kinh trong tủy sống bởi cột sống bị vẹo và bắt đầu gây các cơn đau nhức lưng.
Do trượt đốt sống
Trượt đốt sống là tình trạng một thân đốt sống trượt ra trước so với thân đốt sống phía dưới. Trẻ em hay gặp trượt L5S1 do gãy eo L5 từ bé, tuy nhiên thường đến khi trưởng thành trẻ mới có biểu hiện đau lưng, các trường hợp trượt còn lại thường xuất hiện ở nữ giới trên 40 tuổi và có thể liên quan đến chấn thương cũ, hay mang vác nặng, sinh đẻ nhiều…
Do thoát vị đĩa đệm
Các đĩa đệm là phần cấu trúc kết nối giữa các đốt sống, giữ chức năng vô cùng quan trọng cho sự vận động bình thường của cột sống. Khi tuổi tác tăng lên, đĩa đệm sẽ dễ dàng bị thoái hóa. Cơn đau lưng xuất hiện khi các đĩa đệm bị xẹp hoặc phình ra, một số trường hợp các đốt sống cọ xát với nhau.
Khi bao xơ của đĩa đệm bị rách do chấn thương hoặc thoái hóa, nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát ra (khối thoát vị) gây bệnh thoát vị đĩa đệm. Trong trường hợp này, bạn sẽ cảm thấy đau lưng, khi khối thoát vị chèn ép dây thần kinh gần đó có thể gây đau lan xuống mông và chân, gọi là đau thần kinh tọa.
Do thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống xảy ra thường do tuổi tác, đây là nhóm nguyên nhân thường gặp ở lứa tuổi sau 40, các đĩa đệm bị mất nước, kém đàn hồi, xẹp giảm chiều cao, giảm khả năng cúi giãn kèm theo các thân đốt sống bị thoái hoá, xuất hiện các gai xương, tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm, gây đau lưng.
Ngoài ra, cùng với sự thoái hóa khớp cột sống thì các dây chằng giữ cột sống cũng bị mòn theo thời gian. Điều này làm tăng nguy cơ trượt đốt sống, tình trạng đau lưng sẽ càng gia tăng khi các đốt sống bị trượt bắt đầu chèn ép các dây thần kinh cột sống.
Gãy xương
Thông thường các trường hợp gãy xương cột sống là hậu quả của quá trình loãng xương. Loãng xương là một bệnh về xương chuyển hóa được đánh dấu bằng sự giảm dần về mật độ và sức mạnh của xương, có thể dẫn đến gãy xương gây đau lưng.
Nhiễm trùng và khối u
Nhiễm trùng không phải là một nguyên nhân phổ biến của đau lưng. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể gây đau khi liên quan đến đốt sống, các tình trạng nhiễm trùng bao gồm viêm tủy xương, viêm đĩa đệm hoặc viêm khớp giữa xương chậu và cột sống.
Khối u là một nguyên nhân tương đối hiếm gặp của đau lưng. Khối u có thể gây đau khi nó hình thành dọc theo tủy sống. Ít khi các khối u xuất hiện ở lưng, nhưng chúng thường xuất hiện ở lưng do ung thư di căn từ nơi khác trong cơ thể.
Đau Lưng Do Các Bệnh Lý Khác
Đau lưng không chỉ do các bệnh lý xương khớp, nó cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý của các cơ quan có liên quan tới khu vực vùng lưng, đặc biệt là lưng dưới. Các bệnh lý bao gồm sỏi thận hoặc nhiễm trùng thận, viêm tụy, bệnh ở cơ quan sinh dục, lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai cũng thường xuyên bị đau lưng. Đau lưng ở phụ nữ còn có thể do đến ngày hành kinh, cơn đau thường trong 1-2 ngày sẽ giảm dần và hết.
Khi bị đau lưng kéo dài, người bệnh cần đi khám để xác định đúng bệnh lý và có hướng điều trị phù hợp từ giai đoạn sớm.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Xương Khớp
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
User Review
( votes)CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết