Đau dây thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý phổ biến hiện nay, đặc biệt ở người trưởng thành, người cao tuổi. Đau dây thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân gây ra. Bài viết này Bacsinet xin tổng quan lại các nguyên nhân dẫn tới đau dây thần kinh liên sườn.
Đau thần kinh liên sườn là một tình trạng đau thần kinh, liên quan đến các dây thần kinh liên sườn, biểu hiện là đau tức dữ dội, đau ngực, tức ngực, đau mạn sườn, là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn.
Sinh Lý Bệnh
Dây thần kinh liên sườn, gồm 12 cặp, xuất phát từ đoạn tủy ngực (lưng) từ đốt sống D1 – D12. Sau khi tách khỏi rễ chung, dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch (động mạch và tĩnh mạch) – thần kinh gian sườn, nằm ngay bờ dưới của mỗi xương sườn.
Sau khi qua lỗ ghép rễ thần kinh, các cặp dây thần kinh liên sườn chia thành hai nhánh, nhánh trước (còn gọi là nhánh lưng hay nhánh vận động) và nhánh sau (còn gọi là nhánh bụng hay nhánh cảm giác). Nhánh trước có vai trò điều khiển sự co giãn các cơ liên sườn khi vận động (thở và các cử động khác) và chi phối cho da, cơ phía trước bụng và ngực. Nhánh sau nhận cảm giác của da, các cơ lưng và các cơ quan, bộ phận trong lồng ngực tương ứng. Bên cạnh đó, các dây thần kinh liên sườn cũng là các dây thần kinh nằm ở vị trí nông nên dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh.
Các dây thần kinh liên sườn
Cơ chế bệnh sinh của đau dây thần kinh liên sườn cấp tính liên quan đến nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như chấn thương da và cơ, trật khớp cột sống, tổn thương dây chằng chéo chi, đau dây thần kinh sau nhiễm virus herpes, đau sau phẫu thuật lồng ngực, viêm màng não. Sinh lý bệnh của cơn đau cấp tính liên quan đến các kênh ion nhạy cảm hóa học trong các chất kích thích ngoại vi được kích hoạt bởi các cytokine được giải phóng từ các mô bị tổn thương hoặc các tế bào viêm. Kích hoạt các kênh này dẫn đến việc tạo ra các xung động từ các thụ thể cảm nhận đau ngoại vi ở vùng ngực đến tủy sống ngực thông qua các dây thần kinh liên sườn.
Sinh lý bệnh của đau dây thần kinh liên sườn mạn tính rất phức tạp và liên quan đến sự kết hợp của các cơ chế ngoại vi, trung ương và tâm lý. Ở một số bệnh nhân, nguyên nhân gây đau hoặc viêm có thể được xác định; tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân trong thực tế lâm sàng đều đau thần kinh liên sườn nguyên phát, nghĩa là không xác định được nguyên nhân.
Nguyên Nhân Nào Gây Ra Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn?
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Đối với trường hợp này, không xác định được nguyên nhân nào dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn. Một số tác giả cho là do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá giới hạn cho phép.
Do phẫu thuật: Nguyên nhân thường gặp dẫn tới đau dây thần kinh liên sườn là các thương tổn gây ra trong quá trình phẫu thuật liên quan đến ngực, cắt bỏ ngực, hoặc vùng bụng. Cụ thể, quá trình phẫu thuật để tiếp cận vào các cơ quan nội tạng có thể tác động và làm tổn thương đến các dây thần kinh liên sườn.
Do lao cột sống: vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ thống cơ xương khớp gây bệnh.
Do khối u xương hoặc bệnh lý tủy xương: Dây thần kinh liên sườn bị chèn ép do sự xâm lấn trực tiếp của các khối u, đặc biệt là các khối u di căn gây tổn thương vùng trung thất, quanh cột sống, hoặc liên sườn. Các khối u nguyên phát phổ biến nhất tạo ra chèn ép tủy sống là (theo thứ tự) vú, phổi, tuyến tiền liệt và thận. Bên cạnh đó cơ chế chèn ép cơ học, u xương, hay u nguyên bào xương còn giải phóng các chất cytokine gây viêm, kích thích các thụ thể cảm nhận đau, gây ra các cơn đau thần kinh liên sườn
Do cột sống bị chấn thương hoặc thoái hóa: Chấn thương hoặc thoái hóa cột sống lưng D1-D12, dẫn đến trực tiếp chèn ép rễ dây thần kinh liên sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm khuẩn: Hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona hay virus herpes zoster (HZ). Nhiễm virus HZ cấp thường gặp như thủy đậu, giời leo. Bệnh không được điều trị theo đúng phác đồ, virus sẽ xâm nhập và làm tổn thương các rễ và dây thần kinh liên quan. Ở người khỏe mạnh, hệ miễn dịch hoạt động bình thường, virus tồn tại trong cơ thể ở dạng tiền hoạt động. Khi cơ thể suy nhược, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch, virus sẽ hoạt động trở lại. Nếu virus tấn công dây thần kinh liên sườn, dẫn đến đau nhức, rát bỏng vùng da bị zona. Cơn đau này có thể kéo dài nhiều tháng, mặc dù vùng da đó đã khỏi hoàn toàn.
Đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm virus herpes hay zona thần kinh
Do mang thai: Khi mang thai, cơ thể phụ nữ bị thay đổi về các nội tiết tố, hệ miễn dịch suy giảm, sự gia tăng chất lỏng dẫn tới phù nề, chèn ép dây thần kinh. Về giai đoạn cuối thai kỳ, khu vực dưới cơ hoành lớn gây chèn ép khoang ngực, kèm với áp lực của tử cung lên xương sườn, dẫn đến đè nén và đau dây thần kinh liên sườn. Việc thay đổi tư thế, cười nói, hít thở hay hắt hơi đều có thể làm tăng cường độ đau.
Các nguyên nhân khác: bao gồm đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh ít gặp tổn thương dây thần kinh liên sườn.
+ Đái tháo đường: biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường là tổn thương thần kinh, trong đó có dây thần kinh liên sườn. Lượng đường cao trong máu kéo dài, dẫn đến làm tổn thương vỏ bao thần kinh, giảm tốc độ truyền dẫn của sợi thần kinh. Kèm theo đó, các biến chứng trên mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, làm giảm chức năng cung cấp oxy, cuối cùng, tổn thương dây thần kinh.
+ Nhiễm độc, như nhiễm độc chì, gây tổn thương, gây chết tế bào thần kinh, kích thích thần kinh trung ương.
Với mục đích tổng quan lại các nguyên nhân dẫn tới đau thần kinh liên sườn, bài viết trên đây hi vọng cung cấp các thông tin hữu ích về bệnh đến người bệnh và quý bạn đọc. Tuy nhiên, việc xác định chính xác nguyên nhân nào dẫn đến đau thần kinh liên sườn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, để được chẩn đoán chính xác nhất, cũng như nhận được pháp đồ điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của mình.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Xương Khớp
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
User Review
( votes)CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết