Thoát vị đĩa đệm cột sống là sự dịch chuyển của nhân nhầy đĩa đệm qua bao xơ ra bên ngoài. Tùy thuộc vào lượng nhân nhầy thoát ra ít hay nhiều có thể chèn ép và kích thích rễ thần kinh, túi màng cứng ở các mức độ khác nhau. Do đó, biểu hiện lâm sàng của các triệu chứng thoát vị đĩa đệm ở mỗi bệnh nhân không giống nhau, nhưng chủ yếu là đau và tê lan tỏa.
Chẩn Đoán Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm được chẩn đoán dựa trên việc khai thác tiền sử bệnh, các triệu chứng, kết quả thăm khám lâm sàng và kết quả chẩn đoán hình ảnh. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể dùng trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm bao gồm:
- X- quang: Hình ảnh X- quang cột sống phản ánh cấu trúc của đốt sống giúp ích trong việc chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau như khối u, nhiễm trùng hoặc gãy xương….
- Chụp cắt lớp (CT hoặc CAT): Chụp cắt lớp cho kết quả chi tiết hơn hình ảnh X- quang, bác sĩ có thể quan sát được hình dạng, kích thước của ống sống, cấu tạo bên trong và các cấu trúc xung quanh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cho kết quả hình ảnh 3 chiều của các cấu trúc cơ thể, có thể cho thấy tủy sống, rễ thần kinh và các khu vực xung quanh, đồng thời giúp chẩn đoán thoái hóa hay khối u.
- Chụp cản quang tủy sống: X- quang của ống sống sau khi tiêm chất cản quang vào không gian xung quanh dịch não tủy có thể thấy được áp lực lên tủy sống hoặc dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm, gai xương hoặc khối u.
- Nghiên cứu điện cơ và dẫn truyền thần kinh (EMG/ NCS): Thử nghiệm này đo xung điện dọc theo rễ thần kinh, dây thần kinh ngoại biên và mô cơ. Có tác dụng trong chẩn đoán sự tồn tại tổn thương thần kinh, trạng thái hồi phục các dây thần kinh sau một chấn thương trong quá khứ hoặc tình trạng chèn ép dây thần kinh.
Triệu Chứng Thoát Vị Đĩa Đệm
Các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm rất khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ thoát vị. Nếu đĩa đệm thoát vị không chèn ép vào dây thần kinh, bệnh nhân có thể không có triệu chứng lâm sàng. Ngược lại, nếu phần đĩa đệm thoát ra chèn ép vào một dây thần kinh, có thể gây đau, tê hoặc yếu ở vùng cơ thể mà dây thần kinh đó chi phối. Hầu hết các đĩa đệm thoát vị xảy ra ở lưng dưới (thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng), tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở cổ (thoát vị cột sống cổ). Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của thoát vị đĩa đệm là:
- Đau cánh tay hoặc chân. Nếu đĩa đệm thoát vị ở cột sống thắt lưng, bệnh nhân thường cảm thấy đau âm ỉ hoặc dữ dội lan tỏa từ vùng lưng dưới xuống một hoặc cả hai chân và đôi khi ảnh hưởng tới cả bàn chân (gọi là đau thần kinh tọa). Nếu đĩa đệm thoát vị ở cột sống cổ, cơn đau thường sẽ dữ dội nhất ở vai và cánh tay. Các cơn đau ở cánh tay hoặc chân này thường tăng khi ho, hắt hơi hoặc khi thực hiện một số tư thế cột sống nhất định như cúi, nâng, vặn. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau như bị điện giật mạnh cả khi đứng, đi hay ngồi. Tư thế nằm ngửa với đầu gối cong có thể là tư thế thoải mái nhất vì làm giảm áp lực lên các đĩa đệm.
- Tê hoặc ngứa ran. Những người bị thoát vị đĩa đệm thường bị tê hoặc ngứa ran ở phần cơ thể điều khiển bởi các dây thần kinh bị chèn ép. Áp lực lên một hoặc một số dây thần kinh trong nhóm dây thần kinh tọa có thể gây đau, rát, ngứa ran và tê liệt tỏa ra từ mông xuống cẳng chân và đôi khi vào bàn chân. Thông thường, chỉ một bên (trái hoặc phải) bị ảnh hưởng.
- Yếu cơ, vô lực. Cơ bắp vận động chi phối bởi các dây thần kinh bị ảnh hưởng có xu hướng suy yếu. Điều này có thể khiến bệnh nhân dễ trượt ngã, hoặc làm giảm khả năng nâng/ giữ các đồ vật.
Biến Chứng Của Thoát Vị Đĩa Đệm
Một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm là hội chứng chùm đuôi ngựa (hội chứng Equina cauda). Chùm đuôi ngựa là một tập hợp các dây thần kinh ở phía cuối tủy sống- giống như đuôi ngựa. Chúng nhận tín hiệu từ rễ thần kinh vùng thắt lưng và chi phối vận động, cảm giác của hai chân, một số cơ quan vùng chậu như bàng quang, trực tràng… Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể chèn ép nhiều dây thần kinh ở chùm đuôi ngựa này gây ra những triệu chứng đòi hỏi phải được điều trị khẩn cấp để tránh suy yếu, tê liệt hoặc mất chức năng vĩnh viễn. Nhìn chung, khi bệnh nhân có các triệu chứng tăng nặng dưới đây cần phải được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt:
- Các triệu chứng xấu đi. Đau, tê hoặc yếu cơ tăng nặng đến mức bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như bình thường, dễ trượt ngã, khó khăn khi đứng dậy, không có khả năng đi bộ hoặc di chuyển chân….
- Rối loạn chức năng bàng quang hoặc ruột. Những người mắc hội chứng Equina cauda có thể tiểu không tự chủ hoặc khó tiểu ngay cả khi bàng quang đầy nước.
- Tê hoặc mất cảm giác vùng cơ thể tiếp xúc với yên xe khi cưỡi ngựa. Mất hoặc thay đổi cảm giác ở chân, mông, đùi trong, mặt lưng của chân, bàn chân, khu vực đáy chậu xung quanh trực tràng.
- Biểu hiện nghiêm trọng khác: Rối loạn chức năng tình dục, không đáp ứng với phản xạ mắt cá chân/ phản xạ đầu gối, không có phản xạ hậu môn là những biểu hiện cho thấy bệnh nhân cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Xương Khớp
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
User Review
( vote)CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết