Viêm đại tràng mạn tính là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm và tiến triển hình thành các ổ loét. Sự kết hợp của viêm và loét thường xuyên gây các triệu chứng khó chịu. Mặc dù không có cách để chữa dứt điểm viêm đại tràng mạn tính và ngăn chặn hoàn toàn đợt cấp tính tái phát, sự kết hợp của các phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh và duy trì một cuộc sống thoải mái.
Các Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Của Viêm Đại Tràng Mạn Tính
Khoảng một nửa số bệnh nhân bị viêm loét đại tràng mạn tính có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Tăng nhu động ruột, sôi bụng
- Đau bụng, tiêu chảy kéo dài, xuất hiện máu trong phân
- Ăn không ngon miệng, giảm cân: Những người bị viêm loét đại tràng thường bị mất cảm giác ăn uống ngon miệng và kết quả là có thể giảm cân.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi, suy nhược cũng là biểu hiện phổ biến. Ở trẻ nhỏ, viêm loét đại tràng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng và phát triển.
Các triệu chứng của viêm đại tràng có xu hướng bùng phát trong đợt cấp tính, nhưng giữa các đợt cấp thậm chí bệnh nhân không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tùy từng bệnh nhân, thời kỳ thuyên giảm có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm sau đó mới có đợt cấp trở lại. Quá trình viêm loét đại tràng không thể đoán trước có thể khiến các bác sĩ khó đánh giá liệu một liệu trình điều trị cụ thể có hiệu quả hay không.
Viêm Đại Tràng Mạn Tính Có Chữa Được Không
Viêm đại tràng mạn tính rất khó để chữa dứt điểm. Các phương pháp điều trị thường được kết hợp với nhau nhằm mục đích kéo dài thời gian thuyên giảm, hạn chế biến chứng bao gồm sử dụng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và đôi khi phải phẫu thuật để cắt bỏ phần ống tiêu hóa bị viêm loét nặng.
a. Thuốc
Thuốc điều trị có tác dụng ức chế sự tiến triển ổ viêm và làm lành các mô đại tràng. Các triệu chứng thường gặp như tiêu chảy, chảy máu và đau bụng cũng có thể được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc.
Ngoài việc góp phần làm thuyên giảm các triệu chứng, thuốc cũng có thể được sử dụng giúp giảm tần suất các đợt viêm cấp. Với việc lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp, thời gian giữa các đợt bùng phát triệu chứng có thể kéo dài hơn, các triệu chứng bớt rầm rộ hơn và xảy ra trong thời gian ngắn hơn.
b. Chế độ dinh dưỡng
Mặc dù viêm loét đại tràng không phải do thực phẩm gây ra, song có thể thấy rằng một số loại thực phẩm cụ thể có thể làm nặng thêm các triệu chứng. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, dễ tiêu, chú ý bổ sung thay thế các chất dinh dưỡng thiếu hụt góp phần rất quan trọng trong việc giúp làm giảm các triệu chứng, thúc đẩy quá trình lành bệnh.
Đối với những người được chẩn đoán bị viêm loét đại tràng, điều cần thiết là duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng vì bệnh thường làm giảm sự thèm ăn trong khi nhu cầu năng lượng của cơ thể thì tăng. Ngoài ra, các triệu chứng phổ biến như tiêu chảy có thể làm giảm khả năng hấp thụ protein, chất béo, carbohydrate, cũng như nước, vitamin và khoáng chất của cơ thể nên bệnh nhân có nguy cơ thiếu chất.
Nhiều người bị viêm loét đại tràng thấy rằng các thực phẩm mềm, dễ tiêu ít gây khó chịu hơn so với thực phẩm cay hoặc nhiều chất xơ. Tuy chế độ ăn uống có thể linh hoạt tùy cơ địa người bệnh và nên bao gồm đa dạng từ tất cả các nhóm thực phẩm, nhưng các bác sỹ thường khuyên nên hạn chế thực phẩm từ sữa nếu có dấu hiệu không dung nạp đường sữa (lactose).
c. Phẫu thuật
Khoảng một phần tư đến một phần ba số bệnh nhân bị viêm loét đại tràng được phát hiện thất bại với các biện pháp điều trị nội khoa hoặc gặp phải biến chứng. Trong những trường hợp này, phẫu thuật đại tràng có thể được cân nhắc.
Quyết định lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ đại tràng phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm mức độ bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng ưu điểm là ngăn được tái phát, nhưng bệnh nhân sẽ phải đeo một chiếc túi đựng chất thải nối với ruột non qua một lỗ thông trên bụng. Còn nếu chỉ phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng và nối lại hoặc tái tạo một đoạn đại tràng khác, bệnh nhân sẽ có thể đi tiêu bình thường, không cần đeo túi, song sẽ có nguy cơ tái phát viêm đại tràng.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Đại Tràng
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
User Review
( votes)CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
ĐIỀU TRỊ BỆNH BẰNG THẢO DƯỢC AN TOÀN & HIỆU QUẢ
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết