Tê buồn chân tay khi mang thai là một hiện tượng xảy ra rất phổ biến đối với nhiều thai phụ. Điều này xảy ra do những thay đổi sinh lý diễn ra trong thai kỳ, tuy nhiên nó cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý cần phải được điều trị kịp thời. Vì vậy, các bà mẹ mang thai không nên chủ quan với hiện tượng tê buồn chân tay này.
Tê Buồn Chân Tay Khi Mang Thai Biểu Hiện Như Thế Nào?
Các triệu chứng tê buồn chân tay khi có thai có thể xuất hiện ngay từ tam cá nguyệt thứ nhất, nhưng khá hiếm và biểu hiện nhẹ, thoáng qua. Đa số các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn ở 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ sẽ có cảm giác như kiến bò hoặc kim châm ở chân tay, có khi là cảm giác nóng ran, mất cảm giác hoặc đau nhức ở các vị trí như bàn tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân, cổ chân, cổ tay, đùi, hông, thắt lưng…
Cảm giác tê buồn thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc khi ngồi, nằm một tư thế trong thời gian dài. Cảm giác này có thể thuyên giảm nếu thay đổi tư thế hoặc xoa bóp giảm đau. Ngoài ra, cảm giác tê buồn không chỉ ở tay chân mà trong thai kỳ còn có thể bị tê buồn ở nhiều bộ phận khác như lưỡi, mặt, dạ dày, bụng…
Tê Buồn Chân Tay Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không?
Đa số các trường hợp tê buồn chân tay khi có thai đều là sinh lý bình thường và không có nguy hại gì đến tính mạng của cả mẹ và em bé, ngoại trừ việc gây khó chịu và phiền toái cho người mẹ khi mang thai. Hiện tượng này sẽ tự động biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, triệu chứng tê buồn chân tay khi có bầu lại báo hiệu một vài bệnh lý khác như rối loạn chức năng gan, đái tháo đường, thiếu chất hoặc rối loạn miễn dịch. Vì vậy, khi có triệu chứng tê buồn chân tay mà kèm theo các triệu chứng khác như lơ mơ, không nhấc nổi tay hoặc chân, hoa mắt, co cơ…thì cần đi khám bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp, tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc giảm đau hoặc các loại rượu thuốc đông y xoa bóp trong thai kỳ mà không có hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Nguyên Nhân Gây Ra Tê Buồn Chân Tay Khi Mang Thai Là Gì?
- Sự thay đổi nội tiết tố: hormon relaxin được giải phóng vào những tháng cuối thai kỳ có tác dụng làm mềm khung chậu và các khớp khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh em bé, nhưng đồng thời điều này cũng làm cho trọng lượng cơ thể và sức nặng của thai nhi dễ dàng chèn ép vào dây thần kinh ở khớp do đó làm tê buồn và cảm giác đau nhức ở các khu vực liên quan.
- Hormon thai kỳ sớm gây ra giữ nước dẫn đến hội chứng ống cổ tay gây tê buồn bàn tay và cánh tay: trong thai kỳ, lượng máu trong cơ thể thai phụ tăng thêm khoảng 50% để cung cấp dinh dưỡng nuôi em bé, điều này có thể gây áp lực lên dây thần kinh chạy trong cánh tay gây tê mỏi và đau. Các triệu chứng trong hội chứng ống cổ tay gồm đau tê ngón tay và lan tỏa ra cánh tay.
- Thiếu máu gây ra bởi các yếu tố như số lượng hồng cầu thấp, thiếu sắt hoặc do yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân dẫn đến tê buồn chân tay khi mang thai, chóng mặt và đau.
- Đau và tê do đau thần kinh tọa: là cơn đau chạy dọc từ lưng xuống toàn bộ chiều dài của chân, nguyên nhân do thai nhi ngày càng lớn lên và chèn ép vào dân thần kinh tọa ở lưng dưới.
- Cơ thể thiếu chất như Canxi, magie, vitamin B1, B6, B12, acid folic…
- Do lười vận động, tập thể dục, ngồi hoặc nằm lâu một chỗ làm cho máu bị ứ đọng, kém lưu thông.
- Tổn thương dây thần kinh ngoại vi, ngoài ra còn có thể có liên quan đến đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì, đột quỵ… ở thai phụ.
Khắc Phục Chứng Tê Buồn Tay Chân Khi Mang Thai Như Thế Nào?
- Không ngồi hoặc nằm quá lâu ở một tư thế, nếu phải làm việc lâu với máy tính thì nên đứng dậy đi lại thư giãn để tránh bị mỏi khớp cổ tay và áp lực lên vùng chậu.
- Không gối đầu tay khi ngủ để tránh ảnh hưởng đến sự lưu thông máu đến cánh tay.
- Cố gắng tạo một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng để kiểm soát cân nặng và đảm bảo đủ chất. Nên cắt giảm muối, đường và chất béo, uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, rau củ. Ăn các thực phẩm giàu vitamin B6 để thúc đẩy hệ thần kinh khỏe mạnh: hạt hướng dương, hạt vừng, rau xanh đậm (như bông cải xanh), tỏi, thịt nạc, bơ, cá trắng, cá có dầu (như cá hồi, cá tuyết) vitamin B1 giàu hàm lượng trong các loại ngũ cốc nguyên cám…Nếu cần thiết thì có thể bổ sung vitamin nhóm B hoặc vitamin tổng hợp dạng viên uống, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Chườm tay hoặc chân với nước lạnh để làm dịu cơn tê hoặc đau. Có thể dùng mẹo dân gian với lá bắp cải nếu cổ tay bị sưng đau do hội chứng ống cổ tay: lá bắp cải lau sạch (không rửa), có thể để trong tủ mát (không để tủ đá) sau đó quấn quanh cổ tay, quấn chắc tay để lá bắp cải hút các chất lỏng dư thừa và giảm sưng, khi lá trở nên ẩm và mềm ra thì có thể bỏ ra, và lặp lại với lá tươi khác cho đến khi cơn đau giảm.
- Ngâm chân trong nước muối ấm khoảng 15 phút và matxa chân trước khi đi ngủ, khi ngủ nên kê cao chân trên một chiếc gối.
- Ăn các loại thức ăn giàu canxi như cua đồng, tôm đồng, uống sữa tươi, phomai, sữa chua, các loại đậu…
- Thường xuyên mát xa và vận động các khớp cổ tay, cổ chân, bàn ngón tay chân, tránh làm các công việc vận động các khớp này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.
- Tập thể dục thường xuyên hàng ngày vào buổi sáng để giúp khí huyết lưu thông, giảm hiện tượng tê buồn chân tay khi mang thai.
Hiện tượng tê buồn chân tay khi mang thai hầu hết rất lành tính và thường tự khỏi sau khi sinh nở. Vì vậy, khi mẹ bầu gặp hiện tượng tê buồn chân tay thì không nên quá lo lắng. Tê buồn chân tay khi có bầu có thể được cải thiện và phòng ngừa tốt nếu thực hiện những lời khuyên về ăn uống và vận động như trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác thì các bà mẹ không nên chần chừ đến các cơ sở y tế để có thể phát hiện những bất thường trong thai kỳ và được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và thai nhi.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Xương Khớp
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
User Review
( votes)CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết