Đau bụng, rối loạn đại tiện, đầy hơi, chướng bụng… đều là những triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng phát hiện ra viêm đại tràng sớm để có phác đồ điều trị hiệu quả và kịp thời. Vậy làm thế nào để nhận ra những triệu chứng của viêm đại tràng một cách chính xác nhất, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.
Viêm đại tràng là bệnh lý tiêu hóa được đặc trưng bởi tình trạng viêm của niêm mạc bên trong đại tràng. Tổn thương viêm này có thể gây đau trong trường hợp nhẹ, hoặc có thể gây loét, xuất huyết, hoặc áp xe ở đại tràng với những trường hợp nặng. Viêm đại tràng thường kéo dài rất dai dẳng và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Có Những Loại Viêm Đại Tràng Nào?
Viêm đại tràng được chia thành 2 thể bệnh là viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mạn tính.
Trong đó, viêm đại tràng cấp tính chủ yếu gây ra bởi các nguyên nhân do nhiễm khuẩn (lao, Salmonella…), nhiễm lỵ amip, nấm, lạm dụng kháng sinh, hoặc ngộ độc hóa chất (asen, thủy ngân, chì, thuốc trừ sâu…)
Viêm đại tràng mạn tính bao gồm một nhóm các bệnh mạn tính ở đại tràng có chung một số các triệu chứng giống nhau, đó là các bệnh:
- Viêm loét đại tràng
- Viêm đại tràng Crohn
- Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
- Viêm đại tràng do nhiễm khuẩn
- Viêm đại tràng collagen
- Viêm đại tràng do hóa chất
- Viêm đại tràng lympho
Các Triệu Chứng Của Viêm Đại Tràng
a. Đau bụng
Tình trạng viêm ở đại tràng làm cho các lớp cơ co thắt không liên tục, gây ra những cơn đau giống như chuột rút ở bụng. Cơn đau thường ở vùng bụng dưới nhưng có thể cảm nhận ở bất cứ vị trí nào trong phạm vi đại tràng. Cơn đau âm ỉ, có lúc dữ dội rồi lại trở về bình thường. Đau không có tính chất chu kỳ nhưng có thể tăng lên khi ăn một số loại thức ăn nhiều đạm hoặc ăn hải sản (tôm, cua, cá…) hoặc khi căng thẳng, lo âu. Đau thường xuất hiện trước và trong một nhu động ruột gây tiêu chảy. Sau khi đi tiêu, cơn đau có thể giảm nhưng sau đó lại quay trở lại với đợt tiêu chảy tiếp theo.
b. Rối loạn đại tiện
Người bị viêm đại tràng thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (từ 4-5 lần/ngày hoặc có thể lên đến hàng chục lần/ngày trong viêm đại tràng cấp). Đi nhiều lần nhưng cảm giác không thoải mái sau mỗi lần đi đại tiện, vẫn có cảm giác mót rặn và muốn ngồi trong nhà vệ sinh rất lâu. Đa số người bệnh bị tình trạng tiêu chảy, phân nát, không thành khuôn, có mùi hôi tanh kèm chất nhầy hoặc lẫn máu, cũng có bệnh nhân bị táo bón xen kẽ tiêu chảy (2-3 ngày mới đại tiện 1 lần, phân khô cứng hoặc táo như phân dê).
c. Các triệu chứng khác của viêm đại tràng
Ngoài triệu chứng đau bụng và rối loạn đại tiện điển hình như trên, bệnh nhân viêm đại tràng còn có thể gặp rất nhiều các triệu chứng kháng nhau tùy thuộc nguyên nhân gây viêm và vị trí ổ viêm, các triệu chứng như:
-
- Đầy bụng, chướng hơi, sôi bụng và trung tiện nhiều
- Chán ăn, cảm giác ăn không ngon miệng
- Trí nhớ giảm sút, không muốn làm việc hoặc tham gia các hoạt động thường ngày.
- Triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sút cân do mất nước và hấp thu dinh dưỡng kém.
- Sốt, ớn lạnh, mất nước (triệu chứng mất nước bao gồm yếu cơ, chóng mặt, giảm lượng nước tiểu)
- Các triệu chứng trên các cơ quan khác như: sưng khớp, viêm mống mắt, loét miệng, viêm da…
Các triệu chứng trong viêm đại tràng cấp và mạn tính đa số đều tương tự nhau. Triệu chứng viêm đại tràng cấp thì diễn biến dữ dội (đau quặn bụng, đi ngoài rất nhiều lần gây mất nước) và nghiêm trọng hơn, cần được xử trí kịp thời, nếu không sẽ gây những biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Biến Chứng Của Viêm Đại Tràng
a. Xuất huyết hoặc thủng đại tràng
Do lớp niêm mạc bị viêm nhiễm nghiêm trọng nên lớp nhung mao trong đại tràng bị mất đi, niêm mạc bị bào mòn do quá trình viêm hoặc do tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị dẫn đến có thể bị xuất huyết đại tràng hoặc thủng đại tràng. Biến chứng này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, có thể gây tử vong.
b. Loãng xương
Mặc dù viêm đại tràng không trực tiếp gây ra loãng xương, nhưng đây lại là tác dụng phụ điển hình của một trong số các loại thuốc vô cùng phổ biến trong điều trị viêm đại tràng, đó là corticoid. Khi sử dụng corticoid kéo dài, người bệnh viêm đại tràng sẽ rất dễ mắc phải nguy cơ loãng xương, xương sẽ trở nên giòn và dễ bị gãy hơn. Đôi khi tình trạng loãng xương lại gây ra bởi sự thay đổi chế độ ăn uống của người bệnh, ví dụ như khi uống sữa người bệnh cảm giác sẽ làm gia tăng tình trạng rối loạn đại tiện nên kiêng các sản phẩm từ sữa, do đó điều này làm giảm một nguồn cung cấp Canxi tốt cho cơ thể, dẫn đến loãng xương.
c. Giãn đại tràng nhiễm độc
Đây là biến chứng hiếm gặp và nghiêm trọng của viêm đại tràng. Như chúng ta đã biết, trong đại tràng có một hệ vi sinh vật phát triển vô cùng phong phú, và trong quá trình lên men thức ăn ở đại tràng, chúng sẽ sản sinh ra các khí (còn gọi là hơi). Tình trạng viêm trong đại tràng dẫn đến khí bị mắc kẹt, làm cho đại tràng bị phình ra. Điều này có thể gây ra vỡ dạ dày và gây nhiễm trùng máu. Giãn đại tràng nhiễm độc có các biểu hiện như: đau bụng, sốt cao, nhịp tim nhanh. Biến chứng này có thể được điều trị bằng kháng sinh và corticoid tiêm trực tiếp tĩnh mạch, nếu không hiệu quả có thể cần phẫu thuật cắt bỏ đại tràng.
d. Ung thư đại tràng
Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm nhất của viêm đại tràng mạn tính. Thông thường nếu viêm đại tràng mạn tính kéo dài khoảng 10 năm sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng. Khi khối u quá lớn sẽ gây biến chứng tắc ruột. Mặc dù ung thư đại tràng có thể chữa được nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao, vì đa số bệnh nhân phát hiện ung thư đều ở giai đoạn muộn, trong khi ở giai đoạn đầu ung thư đại tràng có tỉ lệ chữa khỏi lên đến 90%.
Chẩn Đoán Viêm Đại Tràng
Để chẩn đoán xác định bệnh viêm đại tràng, cần dựa trên rất nhiều các thăm khám cụ thể như sau:
a. Khám lâm sàng
-
- Dựa vào triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, ăn ngủ kém, chán ăn, sút cân, đầy bụng, chướng hơi, giảm trí nhớ, hay cáu gắt…
- Dựa vào triệu chứng cơ năng:
- Đau bụng: xuất phát từ vùng hố chậu 2 bên hoặc hạ sườn phải và trái, đau dọc theo khung đại tràng. Cường độ đau có thể đau quặn từng cơn, có khi đau âm ỉ, khi đau thường mót rặn, đi ngoài được thì giảm đau
- Rối loạn đại tiện: chủ yếu đi ngoài phân lỏng nhiều lần một ngày, phân nhầy có thể có máu. Táo bón, sau bãi phân có nhầy, máu. Táo lỏng xen kẽ nhau.
- Dựa vào triệu chứng thực thể: Ấn hố chậu có thể có tiếng óc ách, chướng hơi, ấn dọc khung đại tràng thấy đau, đôi khi có thể sờ thấy “thừng xích ma” nổi lên.
b. Xét nghiệm cận lâm sàng
-
- Xét nghiệm phân:
- Có thể có hồng cầu, tế bào mủ, albumin hòa tan (+)
- Trúng ký sinh trùng, amip…
- Cấy phân tìm vi khuẩn (+)
- Soi trực tràng
- Chụp X- quang khung đại tràng có chuẩn bị
- Nội soi đại tràng và sinh thiết đại tràng nếu cần thiết: thấy tổn thương viêm, loét
- Xét nghiệm máu: số lượng hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố, máu lắng ít thay đổi.
- Xét nghiệm phân:
Tóm lại, viêm đại tràng có những triệu chứng khá giống với một số hội chứng thông thường khác như rối loạn tiêu hóa, hoặc rối loạn chức năng đại tràng… Vì vậy khi có những triệu chứng của viêm đại tràng, người bệnh nên lưu ý theo dõi và thăm khám để có hướng điều trị phù hợp, đặc biệt khi có triệu chứng kéo dài lâu ngày thì nên nghĩ đến khả năng viêm đại tràng mạn tính và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nặng về sau.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Đại Tràng
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
User Review
( votes)CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
ĐIỀU TRỊ BỆNH BẰNG THẢO DƯỢC AN TOÀN & HIỆU QUẢ
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết