Tê buồn chân tay là bệnh lý khá phổ biến của nước ta, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trưởng thành, gây nên nhiều phiền toái và khó chịu cho người mắc phải. Nếu không biết cách phòng và điều trị hợp lý, kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như teo cơ, liệt cơ… Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhất về bệnh.
Tê Buồn Chân Tay Là Gì?
Tê buồn chân tay hay còn được gọi là “chứng dị cảm”, là cảm giác bất thường trên bề mặt da khi không bị kích thích (tức là khi da không bị kích thích với bất kỳ yếu tố nào), gây cảm giác giống như kiến bò trên bề mặt da, râm ran, khó chịu.
Triệu Chứng Của Tê Buồn Chân Tay
Biểu hiện thấy rõ của bệnh lý tê buồn chân tay là cảm giác tê tê mân man giống kim châm, kiến bò, hay tê buốt khó chịu ở các đầu ngón tay, mức độ tê đau tăng dần và lan ra bàn tay, cổ tay, cánh tay gây khó khăn trong cử động và cầm nắm.
Dấu hiệu này cũng xuất hiện tương tự ở ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi, mông và xảy ra nhiều hơn khi gặp lạnh, khi vận động hoặc khi ngồi lâu một tư thế.
Ngoài ra còn xuất hiện một số biểu hiện như:
- Cảm giác nóng
- Cảm giác kim châm
- Đau nhói
- Cảm giác ẩm ướt
- Hoặc thậm chí cảm giác lạnh
Biến Chứng Của Tê Bì Chân Tay
Tê bì chân tay nếu không có biện pháp phòng và điều trị kịp thời, bệnh nặng dần lên, mức độ tê đau ngày càng tăng, có thể dẫn đến rối loạn vận động, tay chân bị tê nhức, mệt mỏi, yếu cảm giác không có lực, ngoài ra có dấu hiệu buốt, đau lan dọc cả cánh tay, khó cầm nắm đồ vật, nặng có thể dẫn tới co cơ, liệt.
Nguyên Nhân Của Bệnh Lý Tê Buồn Chân Tay
Tê buồn chân tay không phải là một căn bệnh đơn thuần mà là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm các bệnh lý cơ xương khớp, bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh chuyển hóa,… với nhiều biến chứng phức tạp và nguy hiểm.
Dưới đây là 5 nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh tê buồn chân tay:
1. Mắc bệnh lý cơ – xương – khớp
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đau nhức và tê buồn tay chân thường thấy. Các tổn thương có thể do viêm khớp thông thường, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống,… gây đau nhức và tê buốt tại các vị trí khớp xương hoặc đau lan rộng.
2. Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Là những tổn thương tại các rễ, dây thần kinh gây tê buốt lan dọc theo đường đi của dây thần kinh đó. Bệnh nhân thường có cảm giác tê buốt dọc từ vùng cổ gáy lan tỏa ra bả vai, dọc theo cánh tay, cẳng tay, thậm chí xuống đến tận các ngón tay (đối với tay) và tê buốt dọc từ thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân và đến tận ngón chân (đối với chân).
Bệnh cũng có thể không điển hình với tình trạng đau, tê cục bộ ở một bộ phận nhất định như bàn tay, cẳng tay, cánh tay, vai, mông, đùi, cẳng chân, bàn chân hoặc có kèm theo rối loạn đại tiểu tiện khi có tổn thương bó thần kinh đuôi ngựa ở tủy sống.
Cơ chế hình thành bệnh lý của tình trạng này là do tổn thương (chèn ép, viêm,…) các dây thần kinh tách ra từ tủy sống để cảm giác và điều khiển tay hoặc chân. Một mặt gây ra đau nhức, tê buốt khó chịu, mặt khác gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của tay/chân như yếu, mỏi, rung, thậm chí teo cơ, liệt nếu không được điều trị hiệu quả.
Một số bệnh lý trong nhóm này như: Hội chứng cổ – vai – cánh tay (hay đau nhức, tê mỏi vùng cổ, vai, cánh tay), đau thần kinh tọa do thoái hóa đốt sống hoặc thoát vị đĩa đệm (đau tê lan từ thắt lưng xuống chân), hội chứng ống cổ tay (do tổn thương gây chèn ép dây thần kinh ở cổ tay gây tê, teo cơ bàn tay), bệnh tê phù Beri – Beri (do thiếu vitamin B1), viêm đa rễ, đa dây thần kinh (hội chứng Guillain – Barre), u hoặc chấn thương dây thần kinh,…
3. Bệnh lý về mạch máu
Là những bệnh lý gây tổn thương hoặc rối loạn hoạt động của mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch) ở tay/chân khiến các tổ chức này thiểu dưỡng mà gây ra tê nhức. Thường gặp như viêm tắc động mạch chi gây ra tình trạng “đau cách hồi” và tê mỏi khi đi lại, suy giãn tĩnh mạch chi gây ứ máu, tê nặng chân khi đứng, ngồi lâu, hội chứng Raynaud gây co mạch tại các đầu chi khi gặp lạnh dẫn đến đau buốt,…
4. Bệnh lý hệ thống
Điển hình nhất là bệnh xơ cứng rải rác do cơ chế tự miễn dịch gây tổn thương ở nhiều vùng thần kinh trung ương (não bộ – tủy sống) dẫn đến hậu quả liệt, mất thị lực (mù), lác (liệt cơ vẫn nhãn), rối loạn tiểu tiện (liệt cơ tròn)… mà biểu hiện đầu tiên và chủ yếu là tình trạng tê bì, đau nhức, yếu tay/chân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
5. Bệnh lý chuyển hóa
Như đái tháo đường với đặc trưng là sự gia tăng và duy trì mức cao của nồng độ đường trong máu (>7.0 mmol/l) thường xuyên, kéo dài, vừa gây tổn thương vi mạch máu, vừa gây thoái hóa các đầu mút thần kinh cảm giác. Đây là một trong những biến chứng phổ biến của đái tháo đường với tình trạng tê bì, giảm cảm giác lâu dần tiến tới mất hoàn toàn cảm giác.
Phương Pháp Chẩn Đoán
Để chẩn đoán tê bì chân tay cần dựa vào những dấu hiệu lâm sàng giống như triệu chứng của bệnh (đã được nêu trên) và các tính chất công việc thường gặp như ngồi nhiều, cúi nhiều bởi đặc thù nghề nghiệp (công việc văn phòng, lái xe, …) sẽ liên quan đến các biểu hiện của đốt sống vai, thắt lưng, cột sống. Thông thường được chụp X-quang cột sống cổ với các tư thế khác nhau, chụp khớp vai, trong trường hợp cần có thể chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Hoặc người có tiền xử về bệnh xương khớp, chuyển hóa.
Điều Trị Tê Buồn Chân Tay
Tùy từng trường hợp bệnh lý, cũng như cơ địa của bệnh nhân mà có phương pháp điều trị phù hợp, nhưng thông thường dựa vào 3 phương pháp chính: Đông Y, Tây y và các phương pháp điều trị hỗ trợ khác.
Tây Y (Y học hiện đại)
Sử dụng thuốc
- Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm.
- Vitamin nhóm B: B1, B6, B12… giúp hỗ trợ bảo vệ thần kinh, phòng tránh tình trạng tê bì chân tay kéo dài.
- Thuốc giãn mạch ngoại vi và kiểm soát đường huyết nếu bị tê bì do tiểu đường.
- Kiểm soát lipid trong máu nếu nguyên nhân gây bệnh là máu nhiễm mỡ.
- Loại bỏ các chất độc ra ngoài cơ thể nếu nhiễm trùng gây tê bì.
Phẫu thuật chữa tê bì chân tay
Khi sử dụng biện pháp chữa bệnh bằng thuốc không mang lại hiệu quả tốt hơn hoặc hiệu quả điều trị chậm hơn thì bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ về biện pháp phẫu thuật nhằm chấm dứt tình trạng bệnh.
Phẫu thuật chữa tê bì chân tay là phẫu thuật nhằm giải phóng dây thần kinh ra khỏi ống cổ tay. Phẫu thuật rất đơn giản và tỷ lệ thành công cao. Sau phẫu thuật hầu hết bệnh nhân sẽ không bị tái phát, tuy nhiên vẫn nên tái khám định kỳ và điều trị tích cực các nguyên nhân gây ra bệnh.
Đông y (y học cổ truyền)
Các biện pháp xoa bóp, châm cứu bấm huyệt: những biện pháp này có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị tê bì chân tay.
Sử dụng các bài thuốc đông y: Theo Đông y, tê bì chân tay xuất hiện là do cơ thể suy nhược, khí huyết lưu thông kém, kết hợp mắc các chứng phong hàn sẽ gây ra cảm giác tê bì đau buốt ở tứ chi. Các bài thuốc Đông y dùng trong điều trị tê bì chân tay thường tác động tới dây thần kinh vận động, giãn mạch, tăng lưu thông khí huyết, giúp giảm hẳn các biểu hiện của bệnh.
Ngoài ra, do tê bì chân tay là biến chứng của một số bệnh lý, Y học cổ truyền sử dụng các biện pháp điều trị nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó thuyên giảm dần biến chứng của bệnh.
Các Biện Pháp Hỗ Trợ
Bên cạnh sử dụng thuốc thì thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt hợp lý cũng có ảnh hưởng tốt trong việc cải thiện tình trạng bệnh.
Người bệnh cũng cần kiên trì tập luyện các bài tập hỗ trợ một cách đều đặn làm thuyên giảm tình trạng tê bì chân tay một cách cấp tính.
Bài tập giãn cơ tay chân: Xòe rộng các ngón tay và chân hết cỡ sau đó nắm lại sẽ giúp vận động các khớp ngón tay và chân hiệu quả. Thực hiện bài tập đều đặn 5 phút mỗi ngày.
Bài tập lưu thông khí huyết: Thực hiện xoa hai bàn tay vào nhau cho đến khi nóng ấm, rồi dùng tay xoa thẳng từ bàn chân xuống cẳng chân. Thực hiện lặp lại 2,3 lần mỗi ngày.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh Xương Khớp
– Đánh Giá Chất Lượng Bài Viết –
Summary
TÊ BUỒN CHÂN TAY – NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
» ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Bình Luận Bài Viết